Hoàn thiện công nghệ, thiết bị chế biến và sấy cà phê ướt quy mô nông hộ

Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu có giá trị kinh tế cao của nước ta, kim ngạch xuất khẩu mỗi năm trên 3 tỉ đô la Mỹ, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện hóa đất nước và cải thiện cuộc sống của người dân. Cả nước hiện nay có hơn 662.000 ha cà phê, trong đó loại cà phê vối được trồng chiếm khoảng 95% diện tích, sản lượng trên 1,56 triệu tấn/năm. Mặt dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới về sản lượng và thứ nhất về sản lượng cà phê Robusta, nhưng công nghệ chế biến còn nhiều bất cập chưa đúng quy trình công nghệ chế biến, chưa có thiết bị hỗ trợ… Vì vậy, chất lượng sản phẩm và giá trị luôn luôn thấp và kém cạnh tranh so với cà phê các nước. Phần lớn diện tích cà phê là do nông hộ trồng, thu hoạch. Riêng ở Đắk Lắk diện tích cà phê do các hộ nông dân trồng chiếm đến trên 85% và sản lượng chiếm trên 80%, sơ chế theo phương pháp chế biến khô áp dụng cho cà phê Robusta, do phương pháp chế biến này đơn giản, có khả năng tạo ra sản phẩm chất lượng cao nếu sản phẩm đầu vào đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Nhược điểm là phụ thuộc nhiều vào thời tiết, yêu cầu diện tích sân phơi lớn, phần lớn điều kiện sân phơi và kho bảo quản cà phê ở quy mô nông hộ còn thiếu, chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, sân phơi ximăng đạt 61,5%, phơi bạt 13,5% và phơi sân đất là 25%. Tình trạng này cùng với tác động xấu của việc thu hái cà phê quả xanh 40- 50% dẫn đến chất lượng cà phê nguyên liệu thấp, tỷ lệ hạt đen, nâu, ẩm mốc cao.

Để tháo gỡ các vấn đề sơ chế, bảo quản cà phê sau thu hoạch cho người nông dân nhằm giảm tổn thất, tăng chất lượng và giá trị sau thu hoạch, nhóm nghiên cứu Công ty TNHH Viết Hiền, Đắk Lắk do CN. Nguyễn Thị Huệ đứng đầu đã thực đề tài “Hoàn thiện công nghệ, thiết bị chế biến và sấy cà phê ướt quy mô nông hộ” để phục vụ cho sản xuất cà phê vùng Tây Nguyên, giúp đem lại những lợi ích kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân trồng cà phê nói riêng và người dân Đăk Lăk nói chung.

Sau hai năm thực hiện, nhóm nghiên thu được các kết quả như sau:

– Đã mô tả cụ thể công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ (là xuất xứ của dự án) để triển khai trong dự án.

– Đã phân tích những vấn đề mà dự án cần giải quyết về công nghệ.

– Đã hoàn thiện thiết kế chi tiết hệ thống thiết bị chế biến cà phê ướt công suất 600-800 kg quả tươi/h

– Đã hoàn thiện thiết kế chi tiết hệ thống thiết bị sấy cà phê quả tươi 2,5-2,7 tấn/mẻ.

Nhóm đề tài đã tiến hành thiết kế lại toàn bộ các thiết bị trong dây chuyền công nghệ chế biến ướt, hoàn thiện thiết kế chi tiết hệ thống thiết bị sấy cà phê quả tươi 2,5-2,7 tấn/mẻ. Sản phẩm của thiết kế là các bản vẽ lắp thiết bị và bản vẽ chi tiết của từng thiết bị.

– Đã chế tạo 02 hệ thống thiết bị chế biến cà phê ướt công suất 600-800 kg/h và chế tạo 02 hệ thống thiết bị sấy cà phê công suất 2,5-2,7 tấn/mẻ.

– Đã hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo hệ thống thiết bị chế biến ướt và sấy cà phê quả tươi quy mô công nghiệp.

+ Hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo hệ thống thiết bị sấy cà phê quả tươi quy mô công nghiệp và thử nghiệm các dây chuyền công nghệ.

+ Hoàn thiện quy trình công nghệ chế tạo hệ thống thiết bị sấy cà phê quả tươi quy mô công nghiệp và thử nghiệm các dây chuyền công nghệ.

+ Thử nghiệm, đánh giá hiệu quả hệ thống xử lý nước thải trong chế biến.

– Đã sản xuất thử nghiệm hệ thống thiết bị chế biến ướt và sấy cà phê quả tươi quy mô công nghiệp, đào tạo vận hành các thiết bị.

Như vậy, nhóm đề tài đã xây dựng được quy trình công nghệ chế biến ướt và sấy cà phê quy mô nông hộ có hiệu quả, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Làm chủ được công nghệ chế tạo các thiết bị chính trong hệ thống chế biến ướt và sấy cà phê quy mô nông hộ. Chế tạo được một số thiết bị chính trong hệ thống chế biến ướt và sấy cà phê quy mô nông hộ.

Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách khuyến khích và truyền thông thúc đẩy người dân sử dụng phương pháp chế biến ướt để tăng giá trị và chất lượng của cà phê Việt Nam đồng thời tạo chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân được mua và sử dụng các trang thiết bị chế biến cà phê.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 16654/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *